8 lỗi thường gặp khi làm bánh bông lan - nguyên nhân và cách xử lý

Thursday,
31/03/2022
0

So với các loại bánh khác thì bánh bông lan khá dễ làm, không quá cầu kỳ trong chuẩn bị nguyên liệu hay quy trình thực hiện. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công trong những lần đầu làm bánh. Và thực tế có không ít người gặp phải tình trạng bánh bị cháy mặt, bị xẹp, bánh không nở đều, nhô cao hoặc bị nứt... Trong bài viết này, Farina sẽ cùng bạn tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục các hiện tượng trên.

1. Bánh bị cháy mặt – Phần thành bánh quá sẫm màu và cứng:

❖ Do nhiệt độ lò quá cao – Khắc phục: canh chỉnh nhiệt sao cho phù hợp. Vì tùy thuộc 
vào từng loại lò cần có sự điều chỉnh nhiệt khác nhau. Ví dụ, lò nướng gia đình có dung tích dưới 50L thì cần hạ nhiệt độ so với công thức. Lò đối lưu và lò công nghiệp cũng có cách canh chỉnh nhiệt độ riêng. Do đó, bạn cần hiểu được “bệnh” của lò nướng của bạn bằng cách sử dụng nhiệt kế lò khi nướng, và nướng thử 1-2 mẻ bánh để tìm ra được nhiệt độ phù hợp.
❖ Do lửa trên quá lớn khiến bánh bị cháy mặt - Khắc phục bằng cách phủ 1 tờ giấy bạc lên mặt bánh sau khoảng 1/3 – 1/2 thời gian nướng. Cần thực hiện thao tác che mặt bánh thật nhanh để tránh làm mất nhiệt của lò.

2. Bánh xẹp trong quá trình nướng:

❖ Di chuyển bánh trong khi nướng - nên hạn chế tối đa việc di chuyển bánh trong khi nướng.
❖ Nhiệt độ lò nướng quá thấp khiến bánh không đủ nhiệt để nở và chín, hoặc nhiệt quá cao khiến bánh nở quá nhanh và thành bánh chưa vững.
❖ Trộn bột quá nhiều làm vỡ các bọt khí trong bánh.
❖ Quá nhiều bột nở sẽ khiến bánh sẽ nở rất nhanh và sau khoảng ½ thời gian nướng thì bánh sẽ xẹp lại rất nhanh.

3. Bánh xẹp sau khi lấy ra khỏi lò:

❖ Bánh nướng chưa đủ thời gian khiến bánh chưa chín và thành bánh chưa vững.
❖ Mở lò quá sớm khiến nhiệt lò bị hạ nhanh chóng và bánh sẽ không đủ nhiệt.
❖ Nhiệt độ trong lò quá cao khiến bánh nở quá nhanh và thành bánh chưa vững.

4. Mặt bánh nhô cao hoặc nứt

❖ Nhiệt độ lò nướng quá cao làm bên ngoài bánh chín mà bên trong chưa chín hẳn và bánh tiếp tục nở do nhiệt cao nên gây ra hiện tượng này.
❖ Bánh không được đặt ở đúng vị trí. Nếu nhiệt độ trong lò ổn định thì bạn nên đặt vị trí chính giữa lò. Nếu nhiệt độ trong lò không ổn định (nhiệt trên cao hơn hay nhiệt dưới cao hơn,…) thì bạn cần canh chỉnh lại vị trí đặt bánh trong lò sao cho hợp lý.

5. Bánh nở không đều 

❖ Bột chưa được trộn đều trong hỗn hợp – Khắc phục: trộn đều hỗn hợp một cách nhanh chóng và đúng kỹ thuật để giúp hỗn hợp đều nhưng vẫn không làm vỡ quá nhiều bọt khí.
❖ Nhiệt độ lò nướng không ổn định.
❖ Nhiệt độ lò quá cao.

6. Bánh dính chặt vào khuôn

❖ Chống dính khuôn chưa tốt (tùy thuộc công thức bạn sử dụng mới cần chống dính khuôn)
❖ Quá nhiều đường hoặc trong bánh có sử dụng các loại syrup hay mật ong – Khắc phục: giảm khoảng 10% lượng đường trong công thức.

7. Bột bánh tràn ra khỏi khuôn:

❖ Bột đổ quá nhiều trong khuôn – Khắc phục: chỉ nên đổ tối đa 2/3 khuôn
❖ Khuôn không đúng cỡ (Ví dụ khuôn tròn 16 cm thì nên sử dụng công thức có định lượng là 3 trứng, 18cm – 4 trứng, 20cm – 5 trứng,…)

8. Bánh xẹp quá nhiều ở quanh thành bánh:

❖ Chống dính khuôn quá tay khiến thành bánh không có “chỗ bám”
❖ Các khuôn ở quá gần nhau trong lò nướng khiến bánh không nhận đủ nhiệt.
❖ Quá ít bột trong công thức khiến cho kết cấu bánh bị yếu.
❖ Trộn bột quá nhiều khiến cho bọt khí bị vỡ nhiều.
❖ Quá ít chất lỏng khiến cho bột bị đặc. 
❖ Bánh nướng quá lâu

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: